HẤP LỰC CỦA VÙNG VĂN HÓA XỨ QUẢNG


Trần Đức Anh Sơn trả lời phỏng vấn tạp chí Văn hóa Quảng Nam

Lễ ăn trâu mừng cơm mới của đồng bào Katu ở Tây Giang. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

Thưa anh, được biết anh là người chuyên nghiên cứu văn hóa cung đình Huế, cụ thể là văn hóa triều Nguyễn, và đã xuất bản nhiều cuốn sách có giá trị. Với số lượng tác phẩm đồ sộ như vậy, anh có thể “bật mí” cho độc giả của Tạp chí VHQN, làm thế nào để anh có được những thành tựu như thế?

Khi bàn về nghề nghiệp, tùy theo từng trường hợp, người ta thường dẫn hai câu “nghề chọn người” hay “người chọn nghề” để nói về công việc của mình. Với tôi, cả hai câu này đều có phần đúng. Tôi thích học Văn, mơ trở thành nhà báo, nhưng do thi Sử đạt điểm cao hơn nên “bị” nhà trường buộc phải học Sử. Sau khi ra trường, tôi được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nhận về làm việc như là một hướng dẫn viên tại các điểm di tích ở Huế và tôi đã làm công việc này trong hơn 3 năm. Coi như đó là giai đoạn “nghề chọn người”.

Làm một hướng dẫn viên, nhưng tôi không muốn chỉ học thuộc lòng những bài thuyết minh có sẵn rồi “nhắc lại” với du khách. Tôi tìm tòi sách vở để đọc thêm, học thêm ngoại ngữ để đọc các tư liệu chữ Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh… để bổ sung kiến thức cho mình. Rồi một ngày, tôi phát hiện ra rất nhiều điều mình được đọc trước đây là không đúng với lịch sử, với thực tế đang hiện hữu tại các di tích. Thế là tôi tự tin viết bài để đính chính những sai lạc đó, thậm chí, để tranh biện với các “cây đa, cây đề” trong lĩnh vực này. Lâu dần thành quen, tôi chuyển hẳn sang công tác nghiên cứu lịch sử và văn hóa cung đình triều Nguyễn, văn hóa Huế. Rồi tôi đoạt học bổng của Nhật Bản, của Hàn Quốc, của Đức… để đến các nước này nghiên cứu, học tập trong lĩnh vực lịch sử, khảo cổ học, văn hóa du lịch. Nhờ đó, đã tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm nghiên cứu, nhất là nghiên cứu so sánh. Với những kiến thức có được về lịch sử, văn hóa triều Nguyễn và xứ Huế, lại được tiếp cận các phương pháp nghiên cứu mới từ các chuyến du học, tôi mạnh dạn triển khai nhiều chủ đề nghiên cứu về Huế, về triều Nguyễn, rồi tập hợp, tuyển chọn những gì ưng ý nhất từ các công trình nghiên cứu đó để in thành sách. Nhờ thế mà đến nay tôi đã in được 9 đầu sách, vừa chung vừa riêng. Đây có thể được coi là những kết quả đáng khích lệ trong giai đoạn “người chọn nghề” của tôi.

Cơ duyên nào anh lại bén duyên với xứ Quảng để tiếp tục sự nghiệp của mình?

À! Đó là một câu chuyện dài. Sau 18 năm làm việc ở Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, tôi thấy công việc mình làm bắt đầu bão hòa. Vì có chuyên môn và bằng cấp nên tôi được cất nhắc làm công tác quản lý. Mà khi đã dính vào công tác quản lý thì việc nghiên cứu của bản thân tôi bắt đầu gặp trắc trở do không có thời gian nhiều như trước. Sự tìm tòi, khám phá trong nghiên cứu của tôi ngày một thưa vắng dần. Đặc biệt, khi đã làm quản lý thì có những điều mình không thể nói được, viết được như khi là một người nghiên cứu, vì có những ràng buộc vô hình và hữu hình. Và tôi bắt đầu cảm thấy chán với công việc “hành chính hóa” như vậy và mong muốn có một sự thay đổi để tự làm mới mình và mở rộng lĩnh vực nghiên cứu của mình.

Đúng lúc ấy thì nhà văn Nguyên Ngọc thành lập trường Đại học Phan Châu Trinh ở Hội An, với mong muốn đây sẽ là một trường “đại học hoa tiêu” trong giáo dục đại học ở Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực đại học tư thục. Vì thế, tôi đã từ chức giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế để về làm trưởng khoa Việt Nam học cho trường Đại học Phan Châu Trinh. Tuy nhiên, ước vọng về một trường “đại học hoa tiêu” của nhà văn Nguyên Ngọc không thành và một môi trường dạy và học như tôi từng mong ước sẽ rất khó thành hiện thực. Vì thế, sau 1 năm công tác ở trường Đại học Phan Châu Trinh, tôi chuyển về công tác tại Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng. Tuy vậy, tôi vẫn thường xuyên tham gia giảng dạy ở Đại học Phan Châu Trinh với tư cách là giảng viên thỉnh giảng; tham gia hướng dẫn sinh viên của trường làm khóa luận tốt nghiệp. Có thể nói, nhà văn Nguyên Ngọc là người kết nối tôi với xứ Quảng và trường Đại học Phan Châu Trinh là “đầu cầu” để tôi đặt chân vào vùng văn hóa xứ Quảng, đầy mới lạ, độc đáo và hấp dẫn.

Sự lan tỏa của văn hóa cung đình Huế đối với văn hóa khu vực miền Trung, trong đó có văn hóa Quảng Nam, có gì đặc biệt?

Theo lý thuyết phân vùng văn hóa ở Việt Nam, thì xứ Huế và xứ Quảng thuộc hai vùng văn hóa khác nhau. Văn hóa Huế thuộc “vùng văn hóa Thuận Hóa – Phú Xuân”, có gốc gác từ văn hóa vùng Thanh – Nghệ nhưng đã được hội nhập, tiếp thu và tiếp biến với các nền văn hóa bản địa và ngoại nhập, và được “cung đình hóa” để trở thành văn hóa Huế. Trong khi đó, văn hóa Quảng Nam thuộc “vùng văn hóa duyên hải Nam Trung Bộ”, là văn hóa của những lưu dân người Việt từ phía Bắc với những “điều chỉnh” để phù hợp với điều kiện và môi trường sống mới, có sự hội nhập sâu với văn hóa bản địa, đặc biệt là văn hóa Champa.

Văn hóa cung đình Huế phát sinh và tồn tại trong thời Nguyễn và gần như được “khuôn định” trong những vòng tường của Kinh Thành Huế, nếu có “vượt tường” ra được bên ngoài thì nó lại bị “khuôn định” trong các phủ đệ ở Huế, chứ ít lan tỏa trong dân gian. Người Huế bình dân chỉ có thể bắt chước một vài nghi lễ, thể thức giao tiếp và thái độ ứng xử có nguồn gốc từ văn hóa cung đình mà thôi, vì điều kiện kinh tế và địa vị xã hội của họ không cho phép họ “rập khuôn” hay “thực thi” văn hóa cung đình Huế. Khi vương triều Nguyễn cáo chung, thì văn hóa cung đình Huế cũng theo đó mà suy tàn dần, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan.

Vì thế, nói sự lan tỏa của văn hóa cung đình Huế đối với văn hóa khu vực miền Trung, trong đó có văn hóa Quảng Nam, thì e hơi khó. Có thể, cũng có một sự lan tỏa nhất định nào đó, nhưng thời gian “thâm nhập” của tôi vào “vùng văn hóa xứ Quảng” chưa nhiều nên chưa phát hiện được gì chăng?

Trong quá trình nghiên cứu được biết anh có đề cập đến Quảng Nam, tìm hiểu các nền văn hóa như Sa Huỳnh và Champa và văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, vậy anh có thể cho một vài nhận xét?

Quảng Nam là một “xứ” – xứ Quảng, cũng như xứ Huế, xứ Nghệ, xứ Thanh… Mỗi xứ là một vùng văn hóa với những di sản văn hóa đồ sộ và các giá trị văn hóa đặc trưng mang bản sắc riêng. Từ góc độ nghiên cứu lịch sử và văn hóa, đối với vùng văn hóa xứ Quảng, tôi quan tâm đến 5 hình thái biểu hiện cụ thể của xứ này là: văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Champa, văn hóa của các dân tộc thiểu số bản địa và văn hóa của lưu dân người Việt trên vùng đất Quảng Nam xưa và văn hóa dân gian của người Quảng. Tôi tạm phân thành 5 hình thái như vậy để tiện cho việc tiếp cận, sưu tầm tư liệu, thực hiện điền dã và tiến hành các bước nghiên cứu trước mắt và lâu dài.

Trong 5 hình thái biểu hiện nói trên, trước mắt tôi tập trung sự quan tâm của mình vào các di sản văn hóa Champa và văn hóa Katu ở xứ Quảng. Ngoài các vết tích văn hóa Việt, Quảng Nam là nơi có sự mật tập cao của văn hóa Champa xưa. Từ vùng đồng bằng cho đến vùng miền núi xa xôi như Tây Giang đều có sự hiện hữu của văn hóa Champa, mà các bản văn khắc Samo do Jean Le Pichon phát hiện trên một vách núi ở thung lũng sông A Vương vào năm 1938 là một ví dụ. Lâu nay, các nhà nghiên cứu Champa ở Việt Nam thường tập trung khảo cứu các di sản văn hóa Champa ở vùng đồng bằng và trung du của Quảng Nam, nhưng tôi cho rằng biên giới của văn hóa Champa ở Quảng Nam lan xa hơn nữa về phía tây nhưng chúng ta chưa có điều kiện nghiên cứu.

Ngoài ra, tôi cũng rất quan tâm đến văn hóa Katu, một tộc người có địa bàn cư trú rộng khắp vùng rừng núi phía tây Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. So với Việt tộc thì họ là thiểu số, nhưng so với các tộc người thiểu số sinh tụ ở Bắc Trường Sơn thì họ là một đại tộc người, có một nền văn hóa giàu bản sắc và đã từng phát triển rất rực rỡ trong quá khứ. Nếu chúng ta đặt vấn đề rằng họ là một đại tộc người, là chủ nhân của một địa bàn cư trú rộng lớn ở vùng rừng núi Bắc Trường Sơn, và là một tộc người đa số vào thời kỳ “trước Việt” (chữ dùng của GS. Trần Quốc Vượng), chứ không phải là một tộc người thiểu số như hiện nay, thì định hướng nghiên cứu và thái độ của chúng ta đối với nền văn hóa Katu sẽ rất khác và chắc chắn là kết quả nghiên cứu và tri thức của chúng ta về nền văn hóa Katu cũng sẽ khác rất nhiều.

Anh đánh giá như thế nào về công tác nghiên cứu khảo cổ học ở Quảng Nam và giá trị của những di tích khảo cổ học còn chưa khai thác?

Quảng Nam nói riêng, miền Trung nói chung đều rất thiếu những nhà khảo cổ học và những người làm công tác nghiên cứu khảo cổ. Vì thế, hình ảnh miền Trung trên bản đồ khảo cổ học Việt Nam đang còn rất nhiều khoảng trống, dù rằng đây là nơi có nhiều nền văn hóa khảo cổ với mức độ mật tập di tích rất cao. Bức tranh khảo cổ học của Quảng Nam chắc chắn sẽ có các “gam màu” sau: khảo cổ học Sa Huỳnh, khảo cổ học Champa, khảo cổ học thời tiền Nguyễn, khảo cổ học thời Nguyễn, khảo cổ học dưới nước (tìm kiếm, phát hiện và khai quật các con tàu đắm ở vùng biển cận duyên thuộc tỉnh Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung, mà con tàu đắm Cù Lao Chàm là một minh chứng)… Nhưng do thiếu nguồn nhân lực và do không được đầu tư nghiên cứu một cách bài bản, đúng phương pháp, nên thành tựu nghiên cứu khảo cổ học ở Quảng Nam và ở miền Trung chưa nhiều. Quanh đi quẩn lại, chúng ta cũng tập trung vào các di tích Champa, tiến hành khai quật lại, khai quật mở rộng những di tích đã được các nhà khảo cổ học tiền bối phát hiện và khai quật với quy mô nhỏ hơn. Chúng ta chưa chủ động tìm kiếm, thám sát và phát hiện các di tích khảo cổ học đang tiềm ẩn trong lòng đất Quảng Nam mà chắc chắn là sẽ rất nhiều. TS. Nancy Tingley, giám tuyển của cuộc triển lãm cổ vật Việt Nam rất thành công ở tại Mỹ vào năm 2009 đã phát biểu:“Cảm giác của tôi khi ở Việt Nam là chỉ cần cắm cái xẻng xuống đất, người ta sẽ tìm thấy được vật gì đó. Thật là một nền văn hóa phong phú đến mức khó tin!”. Quảng Nam là một vùng đất như thế, nhưng chúng ta đang thiếu người “cắm xẻng”, bởi lẽ, hiện nay, không còn nhiều người trẻ ham thích khảo cổ học và miền Trung cũng không có cơ sở đào tạo khảo cổ học nào cho “nên tấm, nên món”. Đội ngũ các nhà khảo cổ địa phương hiện có đã ít, đội ngũ kế cận thì chưa có nên sẽ rất khó khăn để lấp kín những chỗ trống trên bản đồ khảo cổ học Quảng Nam và bản đồ khảo cổ học miền Trung trong tương lai gần. Nhưng tôi vẫn hy vọng tình hình này sẽ thay đổi, vì sẽ đến lúc người ta nhận thấy không chỉ kinh tế, mà văn hóa và lịch sử cũng sẽ góp phần làm nên sự phát triển của một vùng đất, một quốc gia.

Anh có dự định xuất bản những công trình nghiên cứu về văn hóa, lịch sử của Quảng Nam trong tương lai không?

Hiện nay thì tôi chưa dám nghĩ đến điều đó, vì tôi đang là “người học việc” trong lĩnh vực lịch sử và văn hóa của xứ Quảng. Nhưng tôi sẽ cố gắng. Kiến thức là một quá trình tích lũy. Nghiên cứu là một quá trình vừa tích lũy, vừa phản biện với những thứ mà mình tích lũy ấy. Tôi tuy là người Huế, nhưng có đức tính rất giống với người Quảng là rất “hay cãi”. Chính nhờ cái tính “hay cãi” này mà tôi đã có được những công trình nghiên cứu về Huế, về nhà Nguyễn, mà chủ đề của các công trình nghiên cứu ấy đã có người thực hiện rồi, nhưng tôi thấy chưa đúng với những gì mà tôi được đọc, được khảo chứng. Vì thế nên tôi phải nghiên cứu lại, phản biện lại. Sách của tôi là sản phẩm của những công trình “tái nghiên cứu” đó. Vì thế, tôi hy vọng sẽ có ngày tôi xuất bản được những cuốn sách về văn hóa và lịch sử Quảng Nam, như cái cách mà tôi đã từng làm khi ở Huế.

Xin cám ơn anh đã dành thời gian trao đổi với Văn hóa Quảng Nam. 

Song Ly thực hiện

 

Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này